Chạy dọc theo chiều dài của lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, mỗi lần nhớ lại những chiến công hiển hách, chúng ta đều không quên công ơn của các vị anh hùng dân tộc, và đặc biệt, những vị anh hùng ấy đều sẵn sàng đứng lên chiến đấu, không kể là nam hay nữ, già hay trẻ. Lịch sử của chúng ta vẫn còn ghi mãi những trang chói ngời về chiến công của những nữ anh hùng không chịu sống kiếp nô lệ, không chịu yên với phận nữ nhi như: Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch, chị Võ Thị Sáu,… Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, người phụ nữ luôn bị coi thường, rẻ rúng, chịu nhiều bất công, và có lẽ chính bởi quy luật tất yếu của sự vận động, phát triển: “có áp bức ắt có đấu tranh” đã trở thành nguồn động lực to lớn để phụ nữ Việt Nam đứng lên đòi lại quyền lợi cho mình, đòi lại tiếng nói chung cho những người giống mình, và thậm chí đòi lại tự do cho cả dân tộc!
Với quá trình đấu tranh và cống hiến bền bỉ, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập với cương lĩnh đầu tiên đề cập đến “Nam nữ bình quyền”, nghĩa là đặt vai trò của phụ nữ ngang hàng với đàn ông, Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Chính bởi vậy, sau đó ít lâu, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đó là ngày kỉ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày phụ nữ Việt Nam”.
Cho đến nay, hàng năm, cứ mỗi dịp 20/10 đến, lại là lúc những người đàn ông, những người con lại dành để tri ân người phụ nữ của mình. Đó chính là cơ hội để chúng ta gửi tới bà, mẹ, chị của mình những lời chúc tốt đẹp, những món quà tri ân và có khi cả những yêu thương không nói được bằng lời. Một ngày 20/10 nữa lại đến, bạn đã sẵn sàng đem yêu thương gói lại, chuyển đến những người phụ nữ tuyệt vời của mình chưa?